Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Thang máy Sài Gòn !

“Paris bây giờ tạm thuộc về quá khứ. Hà Nội đã thuộc về quá khứ từ lâu”. Vậy còn Sài Gòn? Khi viết Thang máy Sài Gòn, Thuận không muốn nói chuyện đô thị. Chị viết chuyện đi tìm quá khứ. Ở đâu? Paris, Hà Nội và Sài Gòn.
Tên tác phẩm gắn với tình tiết mấu chốt dẫn đến mọi diễn biến trong câu chuyện: một đêm mưa trái mùa năm 2004, tại Sài Gòn, bà mẹ của một doanh nhân giàu có qua đời vì tai nạn phi lý.
Bà mẹ rơi tự do vào khoảng trống thang máy nhà riêng từ tầng thượng đến tầng trệt. Bà đã bấm nút gọi nhưng hộp thang máy nằm lì ở tầng một không lên.
Về sau, trục trặc này không bao giờ xảy ra nữa khiến cái chết của bà càng bí hiểm. Nhưng đây hầu như không phải một vụ giết người mà là tai nạn thực sự.
Không ai, trừ đứa con gái thứ – từ Paris trở về để khánh thành nhà của người anh giàu có – phát hiện ra một chi tiết nhỏ đủ nói lên tính cách người mẹ: bà đã lấy tay che mặt để dù thân thể nát bấy khi rơi xuống thì gương mặt vẫn lành lặn và đẹp đẽ. Người mẹ vốn là diễn viên nổi tiếng và vai người chết nằm trong quan tài kính, mặc áo dài gấm và hoa hồng đỏ, đẹp đến nỗi khiến quan khách xuýt xoa, là vai diễn cuối cùng của bà. Để hoàn thiện chất điện ảnh, mọi thứ được ghi lại bằng máy quay phim chuyên nghiệp.
Đám tang được người anh không tiếc tiền tổ chức như trong phim Hollywood: theo kiểu Tây nghiêm trang và sang trọng, đồ tang được thiết kế riêng, lại treo biển song ngữ Anh – Việt “Trân trọng đề nghị không gây ồn ào mất trật tự” nên không ai được khóc thành tiếng. Khách chủ yếu là bạn làm ăn của người con đại gia.
Kể từ đó, cô con gái ngược đường quá khứ đi tìm người đàn ông Pháp có tên Paul Polotski mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hỏa Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó bà là một chiến sĩ cách mạng. Cô tìm đến ký ức: Hà Nội, Sài Gòn, Paris, gặp gỡ những người xa lạ và lần giở lại cả lịch sử của gia đình mình.
Văn của Thuận, cái giễu cợt lúc ẩn lúc hiện, lúc lồng bâng quơ vào đâu đó. Giễu cả sự giàu sang, giễu cả những giá trị tưởng bất di bất dịch của quá khứ.
Tác giả chọn một gia đình Việt Nam mà sự rạn vỡ rời rạc đạt đến mức khiến mỗi người đều là một ẩn số với những người còn lại. Họ sống tách biệt nhau, hiểu về nhau còn chẳng bằng người dưng nhưng ở gần, đến chết người mẹ vẫn để lại cho con mình những dấu hỏi lớn. Tác giả gọi phần đời của bà mẹ mà đứa con gái tìm kiếm là “nửa thế kỷ bị lãng quên”. Với những người chưa từng biết đến nó như những đứa con của bà thì sao có thể gọi là lãng quên?
Quá khứ vẫn ở đó, những người đã biết có thể quên hoặc cố tình quên, còn những người chưa biết chỉ có thể chọn: đi tìm hay không? Tất nhiên, không phải cứ tìm là thấy.
Văn Thuận lãng mạn hơn cách tác giả nói về nó. Không phải kiểu “Lá vàng bay trong gió sông Seine, cà phê thơm đồi Montmartre” như cách chị giễu khi trả lời phỏng vấn mới đây, mà kiểu “Ngay trên ngưỡng cửa. Bà đưa một tay lên vuốt sợi tóc mai. Môi hơi nhếch. Cái nhếch môi khiến tôi không thể không vịn vào tường. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét