Khi trong thang máy có
chừng 5-6 người chuẩn bị đi lên thì từ bên ngoài xuất hiện một chị phụ
nữ đứng tuổi, có vẻ như đang đau chân. Chị ấy cố tiếp cận thang máy
nhưng không thể. Cửa thang máy đóng lại sau động tác nhấn nút "đóng" dứt
khoát và câu nói lạnh lùng của một trong những cô gái trẻ cùng nhóm:
"Ðể bà ấy đi sau, tớ trễ rồi!"...
Thật ra, thái độ của cô gái kia không làm
chết ai và người phụ nữ cũng chẳng gặp hệ lụy gì sau 2-3 phút ngắn ngủi
nhưng nó tạo cảm giác bất nhẫn và gây ô nhiễm tinh thần dù chỉ trong
khoảng không gian chật hẹp. Có ai đó thậm chí đã vận dụng (từ một câu
nói khác về mối liên hệ giữa đọc sách và nhân cách) rằng "bạn hãy cho
tôi biết bạn xuất hiện trong thang máy ra sao, tôi sẽ nói bạn là người
như thế nào". Có lẽ cách đặt vấn đề như vậy không quá khiên cưỡng nếu ai
cũng khái quát được "cái tôi ích kỷ" và sự ồn ào, vô duyên của nhiều
người trong thế giới thang máy hiện nay. Cuộc sống đô thị hóa với nhà
cao tầng ngày càng vươn cao thì lẽ nào văn minh con người lại chuyển
động theo chiều ngược lại?
Không gian thang máy còn vậy, nói gì đến những môi trường công cộng khác.
Một chị bạn đồng nghiệp kể lại câu chuyện
từ nước ngoài mà chị bảo là "không thể không mang về" Việt Nam. Hôm đó,
chị có cuộc hẹn với nhóm bạn nam nữ gồm người Việt, Nhật, Hàn Quốc và
Singapore (từng học chung một lớp nghiệp vụ ngắn ngày) tại một nhà hàng
rất thoáng ở đảo quốc Singapore. Chỉ mới ngồi được vài phút thì từ phía
xa trong nhà hàng rộ lên những tiếng cười nói, thậm chí gào thét nghe
thật náo động. Chị nghĩ đó là nhóm thanh niên đồng hương nhưng vẫn kín
đáo gọi người phục vụ đến hỏi kỹ. Và trực giác đã không đánh lừa chị. Ðó
chỉ là một trong những ví dụ về lối sống của người Việt ở nước ngoài.
Nhưng sự phổ biến nhất của tính ích kỷ lại xuất hiện trong hoạt động tham gia giao thông hằng ngày.
Trên những con đường lớn nhỏ ngày càng chật
chội vì xe cộ dường như người ta càng hẹp hòi hơn, văn minh giao thông
mờ nhạt hơn. Họ giành đường theo kiểu thị uy sức mạnh, bất chấp nhiều
người là phái yếu chẳng thích đôi co. Tranh lấn nhau một chiếc bánh xe,
thậm chí chỉ vài tấc đường, không còn là chuyện mới mẻ nữa, giờ đây họ
còn giành giật của nhau vài ba giây để phóng xe đi khi tín hiệu giao
thông ở các ngã ba, ngã tư chưa cho phép. Nhiều trường hợp ùn tắc, kẹt
xe, thậm chí tai nạn đã xảy ra vì lỗi ăn gian đó mà chẳng thấy người vi
phạm bị phạt bởi đơn giản lúc ấy không có cảnh sát giao thông. Cái xấu
lờn thuốc là vậy!
Khoa trương, ồn ào là cách khỏa lấp mang tính bản năng những khiếm
khuyết về tinh thần. Nó cũng là con đẻ của sự ích kỷ - xuất phát điểm
của mọi điều xấu xa, tội lỗi trong xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét